Tóm lược câu chuyện kinh doanh

Trong kế toán có khái niệm là "Nợ phải trả". Nó nằm trong phương trình kế toán Tài sản = Vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả.

Nợ phải trả đích thực là gì?

Quan sát thì thấy "Nợ phải trả" này là mấu chốt của thành/bại trong kinh doanh, cũng là mấu chốt đánh giá đạo đức kinh doanh. Nợ phải trả là những gì mà chủ kinh doanh phải hoàn trả cho khách hàng theo đúng cam kết. Ví dụ trong trường hợp này là một nồi lẩu mắm đầy đủ như hình, ngon và tươm tất đúng như mô tả 😁

Kiểm soát nợ phải trả là trọng tâm của kinh doanh (doanh nghiệp)

Bản chất của kinh doanh là người chủ bỏ vốn tiền của mình mua sắm nhu liệu, thuê người để làm ra "sản phẩm", rồi bán nó ra thị trường - tạo ra món nợ phải trả, hoàn thành nó, nhận doanh thu, có lợi nhuận từ khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Vậy tăng "nợ phải trả" là bản chất của phát triển quy mô kinh doanh. Càng bán ra nhiều thì áp lực vận hành càng lớn, nếu không xử lý tốt có thể phá sản. Bản chất của phá sản là khánh kiệt vì để hoàn thành trách nhiệm với nợ phải trả trong khi doanh thu không đủ bù chi phí.

Vấn nạn kinh doanh không đủ vốn

Trong thực tế một người chủ có thể tăng lợi nhuận ngắn hạn bằng cách bội tín, trả cho khách hàng những thành phẩm không đúng với hứa hẹn. Thường thì ban đầu khi mới khai trương thì đúng, càng ngày càng không đúng. Nguyên nhân của bội tín có thể đến từ vận hành nội bộ không hiệu quả, chi phí và công sức khiến chủ kinh doanh quá tải, trong khi ấy vẫn muốn trốn tránh kết cục phá sản. Đau buồn nhất trong kinh doanh là người chủ dùng nguồn vốn ít ỏi (so với nợ phải trả) của mình để đầu tư cho những công trình hào nhoáng bề ngoài nhằm vun vén tín nhiệm ảo cho bản thân, khoả lấp sự thiếu hụt vốn kiến thức để "câu giờ" hầu hy vọng nguồn tiền mới của khách hàng bỏ vào sẽ cứu vãn tình thế. Cứu vãn sao đây khi mà "nợ phải trả" tiếp tục tăng trong khi vốn năng lực vẫn dậm chân tại chỗ? Như vậy có thể thấy để vận hành một công việc kinh doanh chân chính thì cần đủ vốn. Vốn tiền để đầu tư cơ bản. Vốn tiền và vốn nhân cách để thuê/giữ người giỏi vận hành công việc (nếu chủ tự giỏi, tự làm cái này cái kia thì đỡ được một số khoản). Vốn để có thể kéo dài thời gian bù lỗ, chịu đựng sự bất định của thị trường, sự bất ổn của đối tác. Vốn để chi trước cho những hạng mục tương lai (đầu tư dài hạn). Vốn đủ hay thiếu là dựa vào quy mô kinh doanh để quyết định. "Nợ phải trả" càng nhiều thì vốn càng cần nhiều. Theo cách hiểu này có thể thấy vốn lớn nhất là kiến thức của người chủ. Ngân hàng chỉ cho vay vốn khi người chủ có khả năng hoàn trả những gì đã vay. Bạn bè, người thân có thể cho vay mà không đòi hỏi, nhưng đó có thể chỉ là học phí để cuối cùng tăng kiến thức cho người chủ chứ không được làm vốn kinh doanh trực tiếp như nguyện vọng ban đầu; nhưng như thế thì buồn lắm, vì có thể mất cả mối quan hệ đó để trả nợ. Năng lực của người chủ có thể không tương đồng với quy mô kinh doanh mà họ đang vận hành. Rất có thể là đang kinh doanh không đủ vốn. Không đủ vốn thì tương lai chưa biết thế nào 😀 "Đòn bẩy" là một khái niệm đáng sợ về chuyện tăng tài sản trong khoảng thời gian ngắn bất thường cho một khoản vốn.

Kết luận

Quá trình chuẩn bị vốn là một quá trình lâu dài. Bởi kinh doanh nên là một câu chuyện dài hạn, nơi mà người ta dùng năng lực của bản thân để phụng sự xã hội; là lấy mình đi giải quyết vấn đề xã hội chứ không phải lấy xã hội để giải quyết vấn đề của mình. Các cụ chẳng bảo là "Giàu ba mươi tuổi chớ mừng, khó ba mươi tuổi cũng đừng vội lo" đó sao 😁

Vậy hãy nên chuẩn bị vốn đủ rồi mới nên làm. Dừng lại sớm khi nhận ra không thể hoàn trả nợ.